A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề cao cảnh giác trước hành vi lừa đảo qua mạng xã hội

Đề cao cảnh giác trước hành vi lừa đảo qua mạng xã hội

Đề cao cảnh giác trước hành vi lừa đảo qua mạng xã hội

Thời gian qua, dù ngành chức năng và chính quền địa phương các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trước hành vi lợi dụng Mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, với nhiều thủ đoạn tinh vi, vẫn còn nhiều trường hợp bị sập bẫy lừa đảo, gây tổn thất cả về vật chất lẫn tinh thần.

http://huyendakha.kontum.gov.vn/upload/104863/fck/trongnghia/C%C3%A1c%20th%E1%BB%A7%20%C4%91o%E1%BA%A1n%20ph%E1%BB%95%20bi%E1%BA%BFn%20hi%E1%BB%87n%20nay%20c%E1%BB%A7a%20t%E1%BB%99i%20ph%E1%BA%A1m%20C%C3%B4ng%20ngh%E1%BB%87%20cao.png

Các thủ đoạn phổ biến hiện nay của tội phạm Công nghệ cao

Sáng ngày 10/4, theo sự hướng dẫn của chính quyền địa phương và Công an xã, chị Ng. đã làm đơn tố giác tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo đơn trình báo của chị Ng., vào khoảng 19 giờ ngày 09/4, chị nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ tự xưng là Quản trị viên một trang mạng xã hội có uy tín của huyện Đăk Hà. Biết được gia đình chị hiện đang cần gấp một khoản tiền để điều trị bệnh cho con gái, đối tượng đã tung tin một lãnh đạo huyện Đăk Hà có vận động hỗ trợ cho gia đình 15 triệu đồng và yêu cầu chị cung cấp các thông tin cá nhân gồm: Thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin ứng dụng thanh toán trực tuyến, thông tin mã giao dịch điện tử và thông tin cá nhân khác… để thực hiện chuyển khoản.

Để tạo lòng tin, đối tượng đã lập tài khoản Zalo và đăng tải hình ảnh các hoạt động từ thiện của các tổ chức, cá nhân trong nước. Sau đó, yêu cầu chị Nga đồng ý kết bạn qua tài khoản Zalo để thực hiện hành vi lừa đảo.

Vì cả tin, lại đang cần gấp một số tiền lớn để đưa cháu đi chữa bệnh, chị Ng. đã làm theo hướng dẫn của đối tượng. Sau đó, chị phát hiện toàn bộ số tiền hơn 32 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của mình bị chuyển sang ứng dụng mua sắm trực tuyến của người khác. Số điện thoại của đối tượng lừa đảo ngay sau đó cũng không thể liên lạc được.

Nhận được thông tin, Chính quyền và Công an xã đã đến động viên gia đình. Đồng thời thu thập thông tin, chứng cứ và hướng dẫn chị Ng. làm đơn tố giác tội phạm. Được biết, toàn bộ số tiền chị bị chiếm đoạt được các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ con gái chị Ng. là cháu P.B.A, 9 tuổi, bị bệnh liệt Tiểu cầu, đang điều trị dài ngày tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Thông tin từ UBND xã cho biết: Gia đình chị Ng. đang rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Hai vợ chồng chị làm nông, thu nhập bấp bênh. Con gái chị bị bệnh hiểm nghèo, đang điều trị dài ngày tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nên kinh tế dần cạn kiệt. Được biết, các mạnh thường quân trong và ngoài huyện đã kêu gọi, ủng hộ trực tiếp vào số tài khoản cá nhân của chị số tiền hơn 32 triệu đồng. Gia đình dự kiến ngày 10/4 sẽ đưa con gái chuyển tuyến để điều trị, nhưng đến tối ngày 09/4 thì xảy ra vụ việc.

Cũng theo lãnh đạo UBND xã, trong thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các ban ngành, các hội đoàn thể trên địa bàn xã cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác của người dân thông qua các trang mạng xã hội, các nhóm Zalo, Facebook của các hội, đoàn thể và các khu dân cư. Qua sự việc đáng tiếc này, xã đề nghị mỗi người dân nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo trên MXH hiện nay. Cần phải tỉnh táo khi sử dụng, chia sẻ thông tin cá nhân trên Mạng xã hội nhằm tránh bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo thông tin từ cơ quan Công an, trong thời gian qua, tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội diễn biến khá phức tạp. Hầu hết, các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, cả tin của một bộ phận người dân (kể cả người DTTS) để tìm cách liên lạc, thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua tài khoản Ngân hàng. Hình thức lừa đảo khá tinh vi như: Giả danh cán bộ các cơ quan hành chính Nhà nước; cán bộ chiến sĩ Công an đang trực tiếp thụ lý, điều tra các vụ án; Giả danh Kiểm sát viên Viện Kiểm sát các cấp… để lừa đảo, yêu cầu người bị hại chuyển tiền. Chiếm dụng tài khoản Zalo, Facebook để nhắn tin mượn tiền của người thân. Nhắn tin, gọi điện thông báo trúng thưởng hoặc có người từ nước ngoài chuyển tiền về và yêu cầu người bị hại đóng trước một khoản phí nhằm trục lợi. Hoặc thủ đoạn lợi dụng một số người dân có hoàn cảnh khó khăn đột xuất để dụ dỗ người bị hại sử dụng các ứng dụng cho vay trên mạng xã hội. Sau đó, chiếm đoạt thông tin cá nhân để trục lợi bất chính.

http://huyendakha.kontum.gov.vn/upload/104863/fck/trongnghia/Th%E1%BB%A7%20%C4%91o%E1%BA%A1n%20l%E1%BB%ABa%20%C4%91%E1%BA%A3o%20qua%20M%E1%BA%A1ng%20x%C3%A3%20h%E1%BB%99i%201.jpg

Khuyến cáo hành vi lừa đảo trên không gian mạng và biện pháp phòng ngừa

Hiện nay, cơ quan Công an đã công bố đường dây nóng tố giác tội phạm tại các khu dân cư, trụ sở làm việc các cơ quan Nhà nước, điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa thôn, TDP... Công an cũng khuyến cáo người dân cần chủ động cập nhật thông tin và tỉnh táo trước các đối tượng lạ mặt gọi điện yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Khi phát hiện các trường hợp nghi vấn, người dân cần nhanh chóng thông tin với cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ giải quyết.

Đồng thời, khuyến cáo người sử dụng Mạng xã hội cần tỉnh táo, thường xuyên cập nhật, nắm bắt các khuyến cáo từ các cơ quan chức năng, các trang thông tin điện tử chính thống của ngành Công an, chính quyền các cấp. Thứ hai, phải tuyệt đối không được cung cấp thông tin của mình cho người lạ và các đối tượng không tin cậy trên mạng xã hội. Thứ ba, cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng để sử dụng Mạng xã hội như một công cụ phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu để áp dụng kiến thức mới. Trong trường hợp không cần thiết, nên hạn chế truy cập, sử dụng các ứng dụng chưa được kiểm chứng và không truy cập vào các đường link, mã độc xấu trên mạng mà mình chưa nắm bắt được.

Hành vi lợi dụng các trang mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản không phải là mới xảy ra. Tuy nhiên, với những thủ đoạn tinh vi, kẻ xấu không từ hành vi nào để đánh vào tâm lý, lợi dụng sự cả tin của nhiều người nhằm trục lợi bất chính. Kể cả lợi dụng danh nghĩa làm từ thiện để lừa đảo những người không may mắn. Để lại hậu quả, là những thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần cho người bị hại. Do vậy, mỗi người cần đề cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo khi sử dụng mạng xã hội. Tránh việc vô tình trở thành nạn nhân của tội phạm công nghệ hiện nay./.


 

 


Tác giả: Nguyễn Vương Quang
Nguồn:Tin tức huyện Đăk Hà Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Số 18/QĐ-XPHC, ngày 18/01/2024
QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
THỜI SỰ
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1
Hôm qua : 22
Tháng 05 : 312
Tháng trước : 416
Năm 2024 : 2.376
LIÊN KẾT